Ngàn vàng sửa một chữ Lã_thị_Xuân_Thu

Theo Tư Mã Thiên trong Sử Ký: Lã Bất Vi liệt truyện, Lã Bất Vi cho trưng bày bộ sách này ở cửa thành Hàm Dương, để văn nhân khắp thiên hạ đến coi và nếu ai thêm bớt được một chữ sẽ thưởng cho nghìn nén vàng[1]. Đó là xuất xứ của thành ngữ một chữ nghìn vàng (nhất tự thiên kim, "一字千金").

Đây là cách quảng cáo hấp dẫn cho cuốn sách và tên tuổi của họ Lã. Đương thời không một văn sĩ nào tới sửa sách Lã thị Xuân Thu[15]. Vương Doãn thời Đông Hán chỉ ra rằng không phải bộ sách Lã thị Xuân Thu không có khiếm khuyết nào, và cũng không phải văn sĩ đương thời không đủ trình độ học thức để nhìn ra những thiếu sót đó, mà vì lúc đó quyền thế của Lã Bất Vi quá lớn nên dẫu có thể nhìn ra cũng không ai dám công khai chỉ trích[15].

Lã Bất Vi mang ngàn vàng ra thách đố thiên hạ sửa sách, thực chất nhằm hai mục đích[16]:

  1. Để trắc nghiệm uy tín của mình với người nước Tần
  2. Tạo dư luận thanh thế cho bộ sách nhằm tác động ảnh hưởng tới tư tưởng của Tần vương Chính.

Ông đã đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng mục tiêu thứ hai thì không.

Học giả Cao Dụ sau này đã tìm ra 11 chỗ sai lầm trong bộ sách Lã thị Xuân Thu[15]. Những sai lầm đó gồm sai lầm về chữ, sai lầm về câu, hoặc sai lầm về cách xưng hô; và có sự không chính xác khi so với sự thật. Những sai lầm đó được xem là khá sơ đẳng không đáng có[15].